Xay và nấu đậu Đậu phụ Mơ

  1. Đậu tương vàng ngâm từ hôm trước được vo tróc lớp vỏ bên ngoài
  2. Đậu vo xong được đưa vào xay trong cối đá để lấy nước cốt đậu. Quá trình xay đậu tương luôn được bổ sung thêm nước nên sau khi xay xong người ta thường thu được một lượng nước cốt đậu lớn.
  3. Nước cốt đậu được cho vào một túi vải thô, thưa sợi dài khoảng 1 m có miệng rộng với đường kính khoảng 30 cm và vắt để lọc bớt chất xơ.
  4. Sau quá trình vắt lọc bằng túi vải ta thu được bã đậu và nước đậu sống. Bã đậu là chất xơ thừa còn trong túi được vo thành khối tròn lớn, to bằng quả bưởi, dùng làm thức ăn cho lợn.
  5. Nước đậu sống sau đó được đưa vào nấu chín bằng một chiếc chảo lớn, đường kính khoảng 1.2 m, đun bằng bếp than đá. Quá trình nấu đậu này là một trong những khâu then chốt quyết định chất lượng đậu phụ có ngon hay không. Nếu đậu chín non ăn sẽ không ngọt, nếu quá lửa đậu ăn sẽ có mùi khê, khét cũng không ngon.
  6. Sau khi nước đậu được nấu chín tới, người ta đổ ra một cái chum đất lớn và để nguội bớt đến nhiệt độ khoảng 80 °C.
  7. Nước đậu nóng được cho thêm nước chua làm kết tủa đậu tương thành dạng bánh mà dân làng làm đậu vẫn thường gọi là "óc đậu". Dạng kết tủa này trông khá giống với món óc lợn. Nước đậu từ màu trắng sữa sau quá trình kết tủa chuyển trong và có ánh vàng nhạt với từng đám óc đậu lơ lửng.